Sử dụng gạo trong nấu cơm tưởng chừng như đơn giản. Tuy nhiên, thực tế lại có nhiều bà nội trợ không biết chọn gạo và nấu cơm đúng cách.
Sai lầm khi chọn gạo:
1. Chọn gạo trắng tinh
Trên thực tế những hạt gạo quá trắng là do được xay xát quá kỹ khiến cho lớp cám bao bên ngoài nơi chứa những thành phần dinh dưỡng tốt nhất của gạo cũng bị lấy đi. Nếu ăn loại gạo này thường xuyên bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường rất lớn. Đó là kết luận nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng Harvard (ở Boston, Mỹ). Nghiên cứu đã được kéo dài trong nhiều năm với số người tham gia lên đến 352.000 người đến từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Úc.
Trong quá trình nghiên cứu, 13.284 người đã mắc bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu cảnh báo việc ăn gạo trắng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Những người ăn ba bữa gạo trắng mỗi ngày dễ mắc bệnh tiểu đường loại hai hơn những người ăn 2 bữa/tuần.
Không nên dùng gạo quá trắng (ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lớp vỏ cám ở quanh hạt gạo chứa rất nhiều xenlulo. Nhiều nghiên cứu cho thấy chất xenlulo thực vật có tác dụng thúc đẩy quá trình bài tiết cholesterol, làm giảm hàm lượng cholesterol có hại trong máu.
Hiện nay nhiều người thích ăn cơm nấu từ gạo trắng đẹp mắt mà không biết rằng gạo chế biến càng tinh thì lượng xenlulo càng giảm, khó tạo ra cảm giác no bụng khiến lượng thức ăn đưa vào cơ thể tăng cao, dễ mắc bệnh béo phì. Người thường xuyên ăn các loại thực phẩm ít xenlulo có tỷ lệ mắc bệnh xơ cứng mạch máu và cao huyết áp gấp đôi bình thường.
2. Chọn gạo có mùi quá thơm
Ngày nay có rất nhiều gia đình thích ăn gạo có mùi thơm, tuy nhiên chúng ta cũng cần cảnh giác bởi gạo quá thơm có thể rất nguy hiểm. Theo KS hóa thực phẩm Hồ Thị Thu Thủy, để gạo thơm và bảo quản được lâu hơn, người bán gạo thường sử dụng các hương liệu tạo mùi, giữ cho mùi được thơm lâu hơn. Tuy nhiên các hương liệu tạo mùi thường không có nguồn gốc rõ ràng. Nếu chúng ta ăn phải loại gạo với nhiều chứa nhiều hóa chất tạo mùi.
Bởi vậy, khi mua gạo, người tiêu dùng nên chọn những hạt gạo trắng, dài và không bị gãy vụn, không chọn những hạt gạo dị dạng, có màu lạ. Đặc biệt không nên mua những loại gạo có mùi thơm lạ, thơm quá mức. Trước khi mua gạo chúng nên bỏ nắm gạo trên tay để ngửi để phân biệt gạo có sử dụng hóa chất tạo mùi hay không.
Sai lầm khi nấu cơm:
1. Chà xát gạo quá kỹ
Các bà nội trợ có thói quen vo gạo cho hết phần nước đục. Tuy nhiên chính phần nước đục lại là nơi chứa nhiều dinh dưỡng nhất. Bởi theo BS dinh dưỡng Nguyễn Liên (Bệnh viện Bạch Mai), lớp ngoài của hạt gạo tập trung rất nhiều các vitamin và chất khoáng nhóm A, B, E, sắt, kẽm… Thói quen chà xát vo gạo nhiều lần làm mất lượng sắt, kẽm mất đi trung bình từ 79,9 - 96,5%; các vitamin nhóm B cũng bị mất đi tới 70 - 95% trong quá trình xay xát và vo gạo.
Không nên chà xát gạo quá kỹ (ảnh minh họa)
Vì vậy, để tránh mất hàm lượng dinh dưỡng đáng quý này khi vo gạo để nấu chỉ cần vo gạo nhẹ nhàng, đổ nước đi. Việc này vừa loại bỏ hết tạp chất bẩn như trấu, sạn, cám mốc mà không chà xát hạt gạo vào nhau. Như vậy, các khoáng chất, vitamin sẽ ít bị mất đi.
2. Dùng nước lạnh để nấu cơm
Việc dùng gạo nấu cơm bằng nước lạnh đang tồn tại ở rất nhiều các gia đình.
PGS.TS Nguyên Văn Hoan (nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Lúa tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội), nấu cơm bằng nước sôi sẽ tốt hơn nấu cơm bằng nước lạnh dù nấu bằng nồi cơm điện hay nồi gang đun bếp gas hoặc bếp củi. Bởi vì, nước sôi vừa giúp hạt gạo nhanh chín hơn khiến thời gian nấu cơm ngắn đi vừa làm hạt gạo chín đều và dẻo hơn nhờ các chất dinh dưỡng ít bị mất.
Theo BS Liên, nấu cơm bằng nước lạnh sẽ khiến hạt gạo trương lên và các chất dinh dưỡng đồng thời cũng tan ra trong nước. Nếu nấu cơm bằng nước nóng, lớp ngoài của hạt gạo sẽ co nhanh lại và tạo thành lớp màng bảo vệ giúp hạt gạo không bị vỡ nứt, từ đó các chất dinh dưỡng sẽ được giữ lại.
Chính nhờ việc nấu cơm bằng nước sôi, đậy vung để giữ nhiệt và tránh cho gạo tiếp xúc với không khí mà lượng vitamin B1 sẽ được giữ lại nhiều hơn 30% so với cách nấu bằng nước lạnh.
Theo Minh Tuyết / Trí Thức Trẻ
Bạn có thể xem thêm: Cách làm mặt nạ trị tàn nhang hiệu quả nhất 2016
0 nhận xét :
Đăng nhận xét